Stuff to think about

Về luân lí của Emmanuel Kant

Có thể nói trong số những triết gia hiện đại, Emmanuel Kant chiếm một vị trí đặc biệt đến nỗi gần như có thể chia lịch sử triết học ra thành hai giai đoạn trước và sau Kant. Sự đặc biệt đấy còn nằm ở chỗ những tác phẩm của nhà triết gia người Phổ này còn cực kì khó tiếp cận bởi lối hành văn nặng nề, khô khan đến khó hiểu. Chưa kể ông còn cẩn thận phát minh ra những khái niệm đặc thù riêng dẫn đến đa phần người đọc ông (dù đã học triết qua hay mới bắt đầu) đều có chung cảm giác là chúng không được viết cho mình. Thế nhưng, điều kì diệu là một khi chúng ta chịu khó vượt qua được sự cố gắng ban đầu đấy để hiểu cách tư duy của Kant thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và ta nhận thấy đằng sau vẻ bề ngoài khô khan kia là những suy ngẫm sâu thẳm đầy nhân bản được thể hiện qua một tư duy logic cực kì có hệ thống. Có lẽ chính vì niềm vui khám phá có tính trẻ con này khiến tôi có mong muốn chia sẻ suy ngẫm ra đây và tất nhiên là dưới một cách hiểu đã bị đơn giản hóa rất nhiều do sự hạn hẹp về kiến thức triết không bài bản của mình.

Một trong những lí do khiến cho khái niệm Đạo đức  của Kant trở nên đặc biệt vì theo tôi nó gắn liền với quan niệm Tự do của ông. Nói nôm na là Kant không bảo ta hãy làm điều thiện vì bạn sẽ không xuống địa ngục, hay sẽ đạt được hạnh phúc mà bảo ta hãy làm điều thiện vì đấy là sự thể hiện cao cả nhất của Tự do, cũng là biểu hiện trân trọng nhất của Lí tính, và vì thế mà chứng tỏ chúng ta là con Người. Đạo đức của Kant cũng bởi thế được coi là đạo đức của nghĩa vụ, thứ đạo đức được thôi thúc từ nội tâm như là tiếng gọi của cái Thiện tồn tại trong mỗi người không phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, văn hóa và trình độ hiểu biết (và không phụ thuộc vào việc bạn có đọc Kant hay không). Do đó thứ « mệnh lệnh nhất thiết » (impérative catégorique) này có tính phổ quát cho mọi người, mọi trường hợp, và vì vậy cho ta cảm giác hi vọng về những giá trị nhân ái chung mà loài người có thể thống nhất với nhau.

Vậy vì cớ gì mà Kant có thể tin vào tính phổ quát (universel) đấy ? Mỗi nền văn hóa, dân tộc hay thậm chí mỗi cá nhân chẳng phải đều có những quan niệm khác nhau về giá trị đạo đức sao ? Chính bởi vì theo Kant, phương thức duy nhất thúc đẩy chúng ta tuân theo « mệnh lệnh » này là Lí tính. Lí tính là khả năng mạnh mẽ nhất phân biệt con Người với loài vật.Và Lí tính, hay khả năng vận dụng tư duy để phân tích và nhận thức thế giới, là đặc tính chung nhất mà loài người sở hữu ( bàn về Lí tính thuần túy qua tác phẩm Phê phán lí tính thuần túy – E.Kant ). Lí tính thuần túy không những thôi thúc chúng ta làm điều thiện mà qua đấy chúng ta có thể đạt được thứ mà Kant cho là Tự do.

Vậy Tự do theo nghĩa của Kant là gì và có quan hệ gì đến vấn đề đạo đức ? Với Kant, tự do được hiểu là những hành động không bị tác động bởi nguyên nhân bên ngoài. Kant đưa ra hai khái niệm đối lập: tự chủ (autonomie) và tha trị (hétéronomie). Hành động tự chủ là hành động độc lập với tác nhân ngoại cảnh, độc lập với cảm xúc, hay nhu cầu sinh ra bởi tác động của giác tính (tôi uống nước vì tôi khát…). Do đó một hành động được cho là tự do chỉ khi nó chỉ tuân theo những quy tắc mà chủ thể đặt ra cho nó. Tôi tuân theo luật pháp vì luật pháp phù hợp với quy tắc luân lí mà tôi đặt ra, và vì thế khi tôi dừng ở đèn đỏ thì hành động của tôi là hành động tự chủ chứ tôi không tuân theo luật pháp một cách mù quáng chẳng hạn. Với Kant « động cơ » (motive) mới là thứ quan trọng, mặc dù kết quả (dừng lại ở ngã tư khi đèn đỏ) là như nhau, nhưng chỉ khi tôi hành động một cách tự chủ thì mới được coi là tự do.

Do đó, khái niệm « mệnh lệnh nhất thiết » của Kant chính là những quy luật luân lí được áp dụng một cách tự chủ. Những quy luật đấy được diễn giải như sau :

  • Hãy hành động như thể nhờ ý chí của bạn mà phương châm hành động của bạn trở thành một quy luật của tự nhiên.
  • Hãy đối xử với con người như là mục đích chứ không như phương tiện để thực hiện mục đích của mình.

Một lần nữa ta thấy sự uyên bác của Kant vì ông không giáo điều nói với ta về mười điều răn, hay dọa nạt ta về sự trừng phạt của địa ngục, hay hứa hẹn về cuộc sống bất tử nơi thiên đường, mà chỉ bảo đảm với chúng ta điều duy nhất: Tự do.

Thử bàn về nguyên tắc thứ nhất, mà thực chất là một phương pháp test, Kant bảo ta trước khi quyết định, hay thử phổ quát hóa hành động của mình, nếu tất cả đều hành động như tôi thì mọi việc sẽ thế nào ? Hành động chỉ có thể coi là hợp luân lí khi hành động đó nhân rộng lên phù hợp với cuộc sống. Có thể coi nguyên tắc này là một dạng mở của đạo Kito “nếu con không muốn bị người ta đối xử như thế thì cũng đừng đối xử với người khác như vậy”. Bản thân nguyên tắc này vì thế bao gồm việc: không nên nói dối, ăn trộm, giết người … vì sau mỗi lần thử test (tất nhiên là bằng lí lính) ta thấy là sẽ chả ra sao cả nếu cả thế giới đều ăn trộm, nói dối …vv..

Nguyên tắc thứ hai, quan trọng không kém, được nêu ra để bảo đảm nhân phẩm của mỗi người. Nó thường được xem là điểm quan trọng nhất đối lập luân lí Kant với trường phái công lợi (utilitarianisme) của Jeremy Bentham (Anh). Nó đối lập không khoan nhượng với công thức “ mục đích biện minh cho phương tiện” hay “công lí của số đông” và nhắm đến sự tôn trọng nhân phẩm của cá nhân, cho đấy là điều bất khả xâm phạm. Cách nghĩ nhân bản này vì thế góp phần vào việc bãi bỏ chế độ nô lệ ở châu Âu, và bãi bỏ việc tra khảo tội phạm trong nhà tù ở những chế độ văn minh.

Vì bản chất của “mệnh lệnh nhất thiết” là sự tự nguyện, một hành động hợp luân lí là hành động tự thân và không đòi hỏi sự đền ơn, không cần công nhận (vì nếu tôi làm điều tốt và vì thế mà tôi cảm thấy lòng mình thanh thản thì liệu hành động của tôi có thuần túy tự nguyện không ?) hành động luân lí thuần Kant dường như là không thể có, hay không thể tồn tại trong thế giới của những người bình thường. Các triết gia vẫn thường phê phán luân lí của Kant là thứ luân lí vô tưởng, “hắc ám” (Nietzsche) vì kết quả của hành động luân lí  luôn luôn phải là sự không thỏa mãn và vì thế Luân lí là một cái đích luôn dời xa ta mỗi khi ta lại gần. Trong phim Bản danh sách Schindler của Steven Speilberg, nhân vật chính trước khi rời khỏi Ba Lan có buổi chia tay với những người Do Thái được ông cứu, khi Oskar Schindler nhận được lời cảm ơn của hơn 1000 người vì những việc ông làm, ông không cảm thấy hài lòng mà hơn nữa còn tự trách mình vì đã không bán nốt chiếc xe để có thể cứu nhiều người hơn nữa. Luân lí của Kant có thể hiểu là như vậy, không dễ gì đạt được.

Để kết thúc, tôi muốn bàn một chút về sự hạn chế của mệnh lệnh nhất thiết. Luân lí của Kant ngoài việc rất khó thực hiện (bởi những người bình thường như tôi và bạn) còn có những hạn chế của nó khi đối lập với luân lí công lợi (utilitarianisme). Phê phán mạnh mẽ nhất là nó không giải quyết một cách thỏa đáng hậu quả của việc “không hành động”. Ví dụ điển hình thường dùng để minh họa cho Luân lí Kant (mà cũng vì thế chỉ ra sự hạn chế của nó) được nêu ra sau đây: Tưởng tượng bạn đang ở trên một chiếc cầu, ở phía dưới cầu bạn nhìn thấy một chiếc xe đang lao đến và phía bên kia là 5 người thợ đang ở đấy. Biết chắc là những người thợ đấy không nhìn thấy tai nạn đang tới và họ sẽ chết trong vài phút nữa, bạn không thể làm gì để báo cho họ hay ngăn chiếc xe tải lại. Tuy nhiên, ở trên cầu còn có một người ăn mày đang đứng hóng mát ở gần lan can, nếu bạn “vô ý” đẩy người này rơi xuống cầu thì sẽ ngăn chiếc xe tải lại được (nhưng mà ông ta sẽ chết). Trước lựa chọn mạng sống của 5 người thợ hay một người ăn mày, bạn phải làm gì ? Đa số mọi người sẽ lựa chọn việc không đẩy người ăn mày xuống cầu, vì thế tôn trọng nguyên tắc đối xử với con người như những mục đích tự thân chứ không như phương tiện (mặc dù có thể cứu 5 người khác), nhưng nếu không phải là 5 người mà là 500 người, 5 000 000  người thì tôi nghĩ sẽ đặt ra những cuộc thảo luận khó giải đáp hơn. Người Mỹ, vốn chủ trương theo chủ nghĩa công lợi sẽ nghiêng về việc hi sinh số ít để cứu một số đông (như luật cho phép bắn hạ máy bay dân sự khi bị khủng bố), nhưng người Đức, vốn nghiêng về phía luân lí Kant, có lẽ sẽ không nghĩ như vậy.

Source: https://www.facebook.com/notes/anh-cuong-nguyen/v%E1%BB%81-lu%C3%A2n-l%C3%AD-c%E1%BB%A7a-emmanuel-kant/10150603432810801